THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC | THUYẾT MINH “TRUYỆN LỤC VÂN TIÊN”

Ngày 12/02/2025 17:53:58, lượt xem: 395

 

Nếu phải chọn một loài hoa đẹp nhất tôi sẽ chọn lấy một cành hồng còn e ấp trong sương đêm. Nếu phải chọn một thanh âm trong trẻo nhất tôi sẽ chọn lấy tiếng hót thiết tha của họa mi. Nếu phải chọn một bản nhạc hay nhất tôi sẽ chọn văn chương. Tiếng ca từ văn chương bao giờ cũng mang lại nhiều xúc cảm. Giai điệu của văn chương bao giờ cũng đằm thắm và ngọt ngào. Khi những cung bậc cảm xúc ấy được cất lên chúng giống như một bản nhạc khi du dương, khi mãnh liệt chạm vào tâm hồn người đọc. Và một trong những trang viết hay nhất, mãnh liệt nhất mà bản thân tôi từng được thưởng thức phải kể đến tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên” của tác gia Nguyễn Đình Chiểu.

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tự là Mạnh Trạch, hiệu là Trọng Phủ. Ông là một nhà thơ lớn của Nam Kỳ trong nửa cuối thế kỉ XIX và được UNESCO công nhận là Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới. Tuy sinh ra trong một gia đình quan lại nhưng tuổi thơ của ông là những tháng ngày vất vả, gian truân. Năm 1847, khi ra Huế thi, Nguyễn Đình Chiểu nghe tin mẹ mất. Trên đường trở về quê chịu tang, vì quá thương khóc mẹ lại thêm do thời tiết thất thường khiến ông bị ốm nặng và bị mù cả hai mắt. Trước cảnh gia đình sa sút, mẹ qua đời, mắt bị mù lại thêm bị bội ước, Nguyễn Đình Chiểu không đầu hàng số phận, ông dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kì, ông tích cực tham gia các phong trào kháng chiến, cùng với các vị lãnh tụ nghĩa quân bàn bạc việc đánh giặc và sáng tác thơ văn khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân. Vốn là một người được người dân yêu mến, một người có uy tín rất lớn trong dân chúng, Nguyễn Đình Chiểu nhiều lần bị giặc Pháp tìm cách mua chuộc nhưng ông đều từ chối. Ngày 3/7/1888, Nguyễn Đình Chiểu qua đời. Ở đám tang của ông, cánh đồng Ba Tri rợp trắng khăn tang. Có rất đông học trò, đồng bào thương tiếc ông – một người thầy mẫu mực, một chiến sĩ yêu nước. Là một nhà nho tiết tháo nên văn chương của Nguyễn Đình Chiểu luôn là biểu tượng cho đạo lí và chiến đấu cho chính nghĩa. Các sáng tác của ông thể hiện rõ tấm lòng yêu nước, thương dân, một trái tim hướng về dân tộc, về đất nước. Lời văn ông tuy mộc mạc mà tề chỉnh, giàu sức truyền cảm. Đặc biệt, trong thời kì nhiều nhà văn bác học triều Nguyễn quay lưng với văn Nôm mà chú trọng Hán văn thì Nguyễn Đình Chiểu lại sáng tác bằng chữ Nôm, hướng tới quần chúng nhân dân. Tuy mắt không nhìn thấy nhưng ngòi bút của ông vẫn không ngừng sáng tác. Ông đã để lại cho kho tàng văn học trung đại Việt Nam ta những tác phẩm văn chương đầy giá trị như: “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Văn tế Trương Định”, “Dương Từ - Hà Mậu”,... và tiêu biểu nhất là “Truyện Lục Vân Tiên”.

 

ĐỌC THÊM: BÀI NGHỊ LUẬN VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN | NGHỊ LUẬN VỀ ĐOẠN TRÍCH "MỘT CƠN GIẬN" - THẠCH LAM


“Truyện Lục Vân Tiên” là truyện thơ Nôm được sáng tác vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ XIX. Truyện gồm 2082 câu thơ lục bát theo lối kết cấu chương hồi. Truyện kể về nhân vật Lục Vân Tiên người huyện Đông Thành, khôi khô, tuấn tú. Trên đường lên kinh dự thi chàng đã cứu được Kiều Nguyệt Nga đang bị cướp. Cảm động trước ân đức ấy, Kiều Nguyệt Nga đã tự nguyện gắn bó đời mình với Lục Vân Tiên. Còn Vân Tiên trên đường đi thi đã gặp và kết bạn với Hớn Minh, Trịnh Hâm và Bùi Kiệm. Lúc gần thi nghe tin mẹ qua đời, Vân Tiên liền bỏ thi trở về nhà chịu tang mẹ. Dọc đường về chàng bị đau mắt khiến hai mắt bị mù, lại bị Trịnh Hâm hại đẩy xuống sông. Chàng may mắn được cứu và được cho thuốc tiên giúp mắt sáng trở lại. Đến khoa thi chàng thi đỗ Trạng Nguyên và gặp lại Kiều Nguyệt Nga (người con gái đã nhảy xuống sông tự tử để thủ tiết vì chàng). Kết truyện, những kẻ xấu đã hại Lục Vân Tiên bị trừng phạt, chàng và Nguyệt Nga được sum vầy, hạnh phúc.

“Truyện Lục Vân Tiên” như một bài răn dạy, nhắc nhở của Nguyễn Đình Chiểu về đạo lí làm người:
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Trước hết, đó là lời nhắc nhở về lối sống nghĩa tình giữa con người với con người. Lục Vân Tiên hiếu thảo sẵn sàng bỏ thi về quê chịu tang mẹ, vì xót thương mẹ mà khóc đến nỗi hai mắt mù lòa. Chàng cũng là người tốt bụng, dũng cảm. Khi gặp Nguyệt Nga bị bọn cướp Phong Lai quấy nhiều Vân Tiên cũng không ngần ngại mà ra tay cứu giúp. Trên đường đi thi chàng cũng không quên về thăm cha mẹ, đến thăm Võ Công – người hứa gả con gái cho mình. Khi thành danh, trở thành Trạng Nguyên chàng cũng không quên đến thăm cha của Kiều Nguyệt Nga. Dù trải qua nhiều sóng gió, bị bạn bè hãm hại nhưng đến cuối cùng chàng cũng được cứu giúp, gặp những người tốt như Hơn Minh hay Kiều Nguyệt Nga. Kiều Nguyệt Nga – một người con gái thủy chung, đức độ chấp nhận quyên sinh để bảo vệ danh dự của mình, để bảo toàn tình yêu dành cho chàng Lục. Và những tủi hạnh của nàng đã được đền đáp bằng cái kết được sum vầy với Vân Tiên. Còn đối với những kẻ bội ước như Võ Công cuối cùng vì bị sỉ nhục mà ốm nặng rồi chết. Trịnh Hâm ghen ghét, đố kị với bạn hữu của mình cũng bị trừng trị. Bên cạnh đó, “Truyện Lục Vân Tiên” cũng đề cao tinh thần nghĩa hiệp. Lục Vân Tiên dù là một chàng thư sinh nhưng khi thấy người gặp nạn cũng không ngần ngại mà cứu giúp. Chàng và Kiều Nguyệt Nga vốn là người lạ. Lại thêm bọn cướp Phong Lai hung hãn. Nhưng Vân Tiên vẫn một mình đánh tan bọn cướp để cứu nàng. Hớn Minh tuy chỉ là một cậu học trò nhưng đã đứng lên trừng trị cậu công tử ỷ thế cha mà làm càn. Đồng thời, tác phẩm cũng thể hiện khát vọng về một xã hội công bằng, về những điều tốt đẹp. Trong truyện, các nhân vật đều phải trải qua rất nhiều kiếp nạn. Vân Tiên bị mù cả hai mắt, bị hãm hại suýt mất mạng. Nguyệt Nga bị ép làm “cống phẩm” cho giặc. Tuy vậy họ đều có cái kết viên mãn, được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Cái kết có hậu của “Truyện Lục Vân Tiên” cũng chính là ước mơ của mọi người về chính nghĩa thắng gian tà, thiện thắng ác, về một xã hội không bị quấy nhiễu bởi màu đen của hung tàn.

 

ĐỌC THÊM: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC | PHÂN TÍCH TÁC PHẨM "ĐỘC TIỂU THANH KÍ"


Về nghệ thuật, “Truyện Lục Vân Tiên” là một trong những sáng tác xuất sắc nhất của Nguyễn Đình Chiểu. Là đứa con tinh thần khiến hậu thế mãi mãi không thể quên ông. Dường như “Truyện Lục Vân Tiên” không chỉ là ước mơ, là tiếng nói của quần chúng mà đó còn là nơi Nguyễn Đình Chiểu viết tiếp những ước mơ còn đang dang dở của mình, vẽ nốt một cuộc đời mà ông bị lỡ bước. Cuộc đời của Lục Vân Tiên như là chính cuộc đời của tác giả vậy. Bên cạnh đó, truyện mang ngôn ngữ rất giản dị, mộc mạc; hình ảnh trong truyện mang đậm màu sắc Nam Bộ giúp độc giả dù ở thế hệ nào, tầng lớp nào cũng cảm nhận được cái hay của nó. Nghệ thuật xây dựng nhân vật với mô tip giống với văn học dân gian: chính nghĩa thắng gian tà giúp “Truyện Lục Vân Tiên” đến gần hơn với độc giả.

Trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam, nếu như “Truyện Kiều” – một sáng tác bằng thơ Nôm tự sự là một bức tranh tinh xảo về ngôn từ, về hình ảnh thì “Truyện Lục Vân Tiên” lại là một bức ảnh thật giản dị, mộc mạc. Bằng chính sự “chân chất” trong ngôn từ, hình ảnh cùng với những giá trị tư tưởng và nét đặc sắc ở nghệ thuật, “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu đã tạo ra được một vị trí quan trọng trên bản đồ thi ca. Để rồi đến ngày hôm nay, khi đọc lại từng câu thơ ấy ta vẫn không khỏi bị say mê, cuốn hút.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học TOÀN DIỆN LỚP 11 - 2K8
Khóa học KĨ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU

Tin liên quan